Tại Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, họ đóng góp cho nước ta giá trị GDP rất lớn và tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải một số hạn chế nhất định và phụ thuộc nhiều vào chiến lược sản xuất.
Trong bài viết này, DigiAtoZ xin chia sẻ với các doanh nghiệp về vấn đề thế nào là chiến lược sản xuất? 5 lưu ý cần thiết đối với quá trình quản lý chiến lược sản xuất để quy trình sản xuất được hiệu quả hơn.
Khái niệm chiến lược sản xuất là gì?
Chiến lược sản xuất là một hoặc một số đề xuất đã được thông qua, mang tính khái quát và cơ bản nhằm mục đích dẫn dắt hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nhằm đạt được mục đích chung của tập thể dựa trên nguồn lực hiện có của doanh nghiệp.


Phân loại chiến lược sản xuất
Phân loại chiến lược sản xuất theo tính chất và tầm quan trọng
Theo tính chất và tầm quan trọng, chiến lược sản xuất được phân thành:
Chiến lược thể chế
Chiến lược thể chế hay còn gọi là chiến lược cương lĩnh, có tác dụng làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doạnh nghiệp. Các hoạt động này là một tập hợp các đề xuất có tính chất đặc trưng cơ bản về các mặt:
- Mục đích và ước muốn của hoạt động kinh doanh
- Bản chất, quan điểm, động cơ, triết lí, lập trường và tầm nhìn của hoạt động kinh doanh
- Các loại hình tổ chức kinh doanh, cách thức hành động và phương châm tổng quát
- Phương thức kết hợp giữa lợi ích xã hội bên trong và bên ngoài doanh nghiệp
Chiến lược doanh nghiệp
Chiến lược doanh nghiệp hay chiến lược công ty là chiến lược bao trùm lên mọi hoạt động của doanh nghiệp. Nó được hiểu là việc xác định chiến lược hoạt động mà trong đó doanh nghiệp quyết định cạnh tranh theo lĩnh vực sản phẩm hoặc dịch vụ kèm theo việc phân phối các nguồn lực trong các lĩnh vực ấy.
Về một góc độ nào đó chiến lược công ty được xem là một chiến lược về cơ cấu sản xuất và kinh doanh. Trong chiến lược này, doanh nghiệp cần đưa ra quyết định kinh doanh mặt hàng nào, số lượng là bao nhiêu, kèm theo kế hoạch đầu tư, việc phân bổ nguồn lực,…
Chiến lược kinh doanh
Chiến lược kinh doanh được hiểu là chiến lược cạnh tranh mà doanh nghiệp sử dụng trên một lĩnh vực kinh doanh cụ thể, với một vị trí đã xác định. Chiến lược này chủ yếu được sử dụng để trả lời câu hỏi kinh doanh như thế nào trong một lĩnh vực đã biết trước đó. Chiến lược kinh doanh hẹp hơn so với chiến lược công ty ở phần trước.
Phân loại theo tính chất động hay tĩnh
Phân loại theo tính chất động hay tĩnh, chiến lược sản xuất gồm hai loại:
Chiến lược cơ cấu thể hiện cơ cấu, chủng loại, số lượng sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, thông qua đó là chiến lược cơ cấu đầu tư (phần tính chất tĩnh).
Chiến lược quá trình thể hiện trong quá trình sản xuất kinh doanh, tốc độ, bước đi và trình tự giải quyết vấn đề của doanh nghiệp.
Phân loại theo chức năng
Phân loại theo chức năng gồm các loại chiến lược cung ứng, chiến lược khoa học công nghệ, chiến lược sản xuất, chiến lược tiêu thụ, chiến lược Marketing, chiến lược đầu tư, chiến lược về tài chính, chiến lược an toàn kinh doanh, chiến lược tổ chức quản lý và nhân sự, chiến lược thông tin, chiến lược cạnh tranh, chiến lược phúc lợi xã hội.
Trong số các chiến lược kể trên, chiến lược cạnh tranh vì lợi nhuận, an toàn kinh doanh và lợi ích của toàn doanh nghiệp là chiến lược bao trùm lên tất cả.
Phân loại theo sản phẩm hoặc dịch vụ
Phân loại theo sản phẩm hoặc dịch vụ có các chiến lược cho các đơn vị kinh doanh theo từng mặt hàng hoặc từng dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.
Phân loại theo địa lý
Phân loại theo địa lý có chiến lược kinh doanh ở các vùng hoặc tại các nước khác nhau.
Vai trò của chiến lược sản xuất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Khác với đơn vị thương mại hoặc cung cấp sản phẩm là dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất cần kết hợp các yếu tố: con người, đối tượng, tư liệu sản xuất, công cụ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để cấu thành sản phẩm. Bên cạnh đó doanh nghiệp còn cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc, nhà xưởng,…


Đối với các doanh nghiệp sản xuất, nếu sản phẩm làm ra không tìm được thị trường tiêu thụ, thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển sang sản xuất lĩnh vực khác, bời vì nguồn lực và các yếu tố tài sản dài hạn. Vì vậy, việc đầu tiên trước khi doanh nghiệp quyết định bỏ vốn đầu tư chính là nên lập cho mình một chiến lược sản xuất đúng đắn, khả thi dựa vào nguồn lực hiện có của doanh nghiệp.
5 lưu ý khi lập chiến lược sản xuất
Xác định thị trường – sản phẩm phù hợp
Doanh nghiệp vừa và nhỏ thường hướng đến các thị trường nhỏ vì vậy tính linh động cũng cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên không phải sản phẩm nào cũng có thể được thị trường đón nhận. Hãy chọn cho doanh nghiệp của mình một cặp sản phẩm phù hợp, thị trường ít cạnh tranh và đừng quá bất khả thi.
Nên cân nhắc việc chạy theo số đông
Không ít doanh nghiệp lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí phả sản hoặc mất mát rất lớn chỉ vì chạy theo số đông. Điều này có thể là do sản phẩm của đối thủ có sự khác biệt lớn hơn khiến sản phẩm của doanh nghiệp không thể tiêu thụ được. Do vậy, trước khi đầu tư vào thị trường có tính cạnh tranh cao và sản phẩm đang được ưa chuộng, hãy cân nhắc và tính toán thật kỹ lưỡng đến những cơ hội dài hạn, sự khác biệt của mình so với đối thủ có đủ sức lôi kéo khách hàng hay không.
Xác định và bám sát điểm đích của chiến lược
Một vấn đề thường gặp phải ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là khi thấy sản phẩm có lời thì sản xuất, có lãi thì chạy theo. Hoạt động này vô tình khiến vốn đầu tư bị dàn trải, lãng phí nguồn lực và đôi khi không phát huy được hết tiềm năng vốn có của doanh nghiệp.
Với quy mô còn nhỏ, doanh nghiệp cần xây dựng một mục tiêu rõ ràng, bám sát nó cho tới đích cuối cùng để tối ưu hóa được nguồn vốn, phân bổ và ưu tiên các nguồn lực vào những lĩnh vực thích hợp, để thúc đẩy sản xuất, gia tăng hiệu suất làm việc.
Tích cực gắn kết nội bộ, nâng cao trình độ quản lý
Người quản lý luôn đóng vai trò là đầu tàu dẫn dắt cả doanh nghiệp, tiếp theo đó là các cấp nhân viên trực tiếp, gián tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Nâng cao trình độ chuyên môn đồng thời tạo ra một nền văn hóa nội bộ vững mạnh tăng tính đoàn kết trong doanh nghiệp là điều cần phải thực hiện ngay lập tức và thường xuyên.
Sử dụng và tối ưu các phần mềm hỗ trợ trong quá trình thực hiện chiến lược
Một trong những cách giúp doanh nghiệp giải quyết hầu hết các bài toán khó trong sản xuất chính là việc đầu tư vào các phần mềm quản lý. Quan trọng hơn, các phần mềm sản xuất phải có khả năng dự báo về nhu cầu thị trường trong tương lai dựa vào kết quả kinh doanh, dữ liệu khách hàng,… Đây chính là cơ sở để người quản lý kiến tạo nên các chiến lược sản xuất kế tiếp cho doanh nghiệp của mình, nhằm tối ưu hóa chi phí và giảm thiểu rủi ro có thể gặp phải trong tương lai.
Kết luận
Để tận dụng được cơ hội và hạn chế được những khó khăn, thách thức khi hướng tới mục tiêu sản xuất, kinh doanh bền vững, các doanh nghiệp cần chủ động trong việc xây dựng chiến lược dài hạn đối với việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh thương mại sang mô hình sản xuất.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ được thế nào là chiến lược sản xuất và áp dụng nó vào trong thực tiễn!